Thân thế Nghiêu

Theo Sử ký, Đế Nghiêu họ Kì (祁氏), có tên là Phóng Huân (放勳), là con trai của Đế Khốc, mẹ họ Trần Phong. Ông có người em khác mẹ là Đế Chí. Vì Nghiêu trước khi lên ngôi từng làm tù trưởng bộ lạc Đào, sau lại cải phong ở đất Đường nên có khi gọi kép là Đào Đường Thị (陶唐氏) hoặc gọi là Đường Nghiêu.

Cũng theo Sử ký, Đế Khốc mất, Đế Chí lên thay. Tuy nhiên, do Chí không có tài trị nước nên Phóng Huân thay ngôi, tức là Đế Nghiêu.

Theo truyền thuyết, Nghiêu lên ngôi khi 20 tuổi, thiện nhượng ở tuổi 90, mất ở tuổi 118 (có thể 117 hoặc 116) và ông truyền ngôi cho Thuấn, người được ông gả cho hai cô con gái từ trước. Trong nhiều cống hiến của mình, Đế Nghiêu được cho là đã phát minh ra cờ vây. Truyền thuyết Sào Phủ Hứa Do là một chuyện đời Đế Nghiêu. Nhân vật Bành Tổ cũng được cho là một nhân vật của thời Đế Nghiêu.

Trong thiên Thái Bá sách Luận ngữ, Khổng Tử ca ngợi Đế Nghiêu: "Làm vua như Nghiêu thật là vĩ đại thay! Thật là cao quý thay! Chỉ có trời là cao lớn nhất, cũng chỉ có Nghiêu là người biết dựa vào đạo trời. Công đức của Nghiêu to lớn không cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi"[1]".